261 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM
Hotline: 0944320120 - 0962503804
261 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM
Hotline: 0944320120 - 0962503804
DANH MỤC SẢN PHẨM

8 thủ thuật nuôi dưỡng động lực & cảm hứng chụp ảnh

   Có anh em nào từng chán nản, mất cảm hứng cầm máy ảnh đi chụp sau một thời gian rất say mê không? Ai cũng biết, chụp ảnh là một trong những hoạt động mang lại nhiều cảm hứng và niềm say mê. Nó có thể cổ vũ bạn dấn mình vào những cuộc phiêu lưu, nhìn thế giới một cách tươi mới hơn, gặp gỡ những con người thú vị - tất cả đều mang lại riêng cho bạn một cái gì đó hoàn toàn độc đáo. Mất cảm giác & cảm hứng cầm máy ra khỏi nhà là một tâm trạng rất khó diễn tả.
 
“Chúng ta vốn đươc sinh ra để chế tạo, và sự sáng tạo là hành vi hòa nhập cao nhất – đó là cách chúng ta hòa trộn trải nghiệm của mình vào cuộc sống”. – Brene Brown​

   Nhưng chuyện gì xảy ra khi nguồn cảm hứng của bạn cạn kiệt, khi các bức ảnh bạn chụp không thể mang lại cho bạn niềm phấn khích hoặc bạn cảm thấy cuộc sống của mình ngày càng mất đi sự hưng thú ? Đa phần những người chụp ảnh, ngay cả chuyên nghiệp, cũng có những lúc cảm thấy khả năng sáng tạo của mình bị keo lại. Bạn trở nên mệt mỏi và chán nản với chính những bức ảnh do mình chụp.

   Tại sao chúng ta ai cũng có những lúc suy sút như vậy ?
 
Thói quen hủy hoại thói quen
   Không phải là ngoại lệ, rõ ràng bạn cũng là người ngấm sâu những thói quen – hằng ngày vẫn cứ lặp đi lặp lại những việc quen làm. Pha cho mình ly cà-phê cùng một cách ấy vào đúng một thời điểm nhất định, đi làm trên cùng một con đường vào đúng giờ ấy, ăn cùng một thứ thức ăn ấy vào mỗi buổi chiều. Gần như chẳng cần suy nghĩ gì cả và bạn cứ thế mà làm như một cái máy.

 
Chừng nào thói quen và lệ thường vẫn còn nắm quyền điều khiển phong cách sống, thì các chiều kích mới của tinh thần vẫn không thể ngóc đầu lên được” – Henry van Dyke​

   Đầu óc bạn làm mọi cách để đặt bạn vào thói quen. Nó khiến cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn đến mức hằng ngày bạn không cần phải đưa ra những quyết định mới. Nhưng, nếu để mình ngập sâu vào thói quen thì bạn sẽ không nhìn thấy được những điều mới lạ, không làm được những gì mới mẻ, hoặc thử làm mọi chuyện theo cách khác. Thói quen sẽ bóp nghẹt khả năng sáng tạo của bạn.
 
Ninh Thuận 2011 - Film Reala100​

   Làm sao để thoát ra khỏi chiếc vòng kềm tỏa ấy ?
   Cách bạn làm cho cuộc sống của mình tràn trề nguồn cảm hứng và có nhiều động lực thường không giống với người khác – tùy vào cách bạn sáng tạo và những gì thôi thúc bạn. Dưới đây là một vài ý tưởng :

 
1 - Hãy để máy ảnh của bạn ở nhà

   Nếu là người lúc nào cũng đi ra ngoài và hầu như lúc nào cũng mang theo máy ảnh để chụp rất nhiều – bạn hãy bỏ mặc nó một thời gian. Mang theo máy ảnh thì có gì là khó đâu. Thay vì dành thời gian nhìn ngắm và lên bố cục, bạn gần như cứ cắm cúi chụp hết tấm này qua tấm khác. Kết quả là bạn cảm thấy những bức ảnh mình chụp quá nhàm chán.​
 
   Bạn thử bắt đầu khảo sát thế giới theo một cách khác – không phải theo lối của một người chụp ảnh, nhưng là như một người biết nhìn ngắm, biết lắng nghe, cảm nhận, khám phá và hấp thu bầu khí chung quanh. Việc tận dụng tất cả các giác quan là cách tuyệt diệu nhất giúp cho trải nghiệm thế giới thường nhật theo một cách khác, sẽ giúp bạn có được một quan điểm khác đi.​
 
   Tiếng động là một gợi hứng đặc biệt – tiếng xào xạc của những chiếc lá thu khô dưới chân, âm thanh trầm đục của chuyến xe lửa chạy trên đương ray ở xa xa, tiếng nhạc xập xình từ một quán nhậu, tiếng người trò chuyện lao xao. Việc hòa hợp tất cả các giác quan, mà chúng ta thường không đặt làm ưu tiên (do chúng ta vốn chỉ dành ưu tiên cho thị giác), sẽ giúp bạn cắm neo chính mình vào khoảnh khắc hiện tại, tự tách mình ra khỏi đầu óc bận rộn, và bước vào thế giới mà rốt cuộc bạn có thể nhìn thấy thêm những điều thú vị và độc đáo.​
 
   Tập luyện : Khi sắp bắt đầu chụp ảnh trở lại, bạn hãy đặt ra cho mình một thử thách là chỉ chụp ba bức mỗi ngày, và cứ như thế trong vòng 15 ngày. Nếu thấy quá khó, thì đúng là một thử thách hoàn hảo đấy! Việc này sẽ giúp bạn trở nên chính xác và tỉ mẩn trong cách làm việc của mình. Bạn sẽ làm việc cần cù hơn để tạo ra một số lượng ảnh ít hơn, nhưng đẹp hơn.
 
Souris (2012) Film Reala100​

2 - Làm cho việc chụp ảnh trở thành một thói quen

   Bây giờ chúng ta hãy xem xét vấn đề theo chiều ngược lại. Bạn là người không mấy khi chụp ảnh cho lắm – có thể bạn chờ cho đến lúc có dịp dạo chơi trong một khung cảnh dễ thương, ánh sáng thuận lợi, hoặc một dịp nghỉ nào đó – vậy thì chúng ta hãy thử cách này. Nếu chụp ảnh là một thứ mà cho đến lúc này đối với bạn vẫn chỉ là một việc làm ngẫu hứng, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có được đà sáng tạo, sẽ chẳng bao giờ bạn phát triển kỹ năng nhìn thế giới thực sự và chụp được những bức ảnh đẹp. Hoạt động sáng tạo giống như một cơ bắp – càng vận động nó càng khỏe thêm lên.​
 
Bạn không thể làm cạn kiệt sự sáng tạo. Càng sử dụng nó, bạn lại càng có thêm nó ”. – Maya Angelou​
 
   Bằng việc tạo ra một thói quen sáng tạo, bạn tự khẳng định với chính mình rằng nhiếp ảnh là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. Nó còn giúp cho tiềm thức của bạn được thu xếp một cách ngăn nắp theo một cách khiến bạn được kêu gọi quay lại với nó thường xuyên hơn. Có thể bạn đang ở trong một trạng thái thất thường và hoạt động sáng tạo tuyệt diệu bắt đầu mang lại nghị lực cho bạn theo một cách mới mẻ và đầy hứng thú.​
 
   Rèn luyện : Nếu việc tập cho mình có thói quen chụp hình là gay go đối với bạn, thì đây là rèn luyện dành cho bạn – hãy chụp 50 bức mỗi ngày, và làm như thế trong vòng 15 ngày. Việc đó sẽ kích thích khả năng sáng tạo của bạn, và làm cho ngày sống của bạn quen với việc tìm tòi, nhìn ngắm và nhận ra cần phải chụp những bức ảnh hấp dẫn.
 
Lak (2014) Nikon DD5500​

3 - Chụp ảnh không phải để nhìn kết quả, nhưng là để tận hưởng quá trình làm việc
 
   Khi những đứa trẻ ngồi cắm cúi vẽ những bức vẽ, luôn có một niềm vui tuyệt diệu đối với chúng. Từ việc cảm nhận được sự mềm mịn của chiếc lông chim trước khi đính nó lên một vỏ trứng, cho đến việc tô những mảng màu vụng về lên một tờ giấy trắng. Quả thực, việc đi ra ngoài cùng với những đứa trẻ và quan sát các em nhìn thế giới một cách tự nhiên, là một rèn luyện hiệu quả việc hòa mình vào thế giới chung quanh bạn.

   Với trẻ em, luôn có một sự thích thú hoàn toàn trong tiến trình sáng tạo – đó là điều mà chúng ta, những người chụp ảnh, đôi khi lại quên đi. Có thể do việc sáng tạo quá tức thời – trong nháy mắt – chúng ta quên rằng cái nháy mắt ấy là kết quả của cả một quá trình.

 
   “Những thứ đang thúc đẩy tôi…đang được gọi là kỹ thuật…là những gì xuất phát từ một nơi sâu thẳm kỳ bí nào đó. Ý tôi muốn nói là có thể có cái gì đó để làm với tờ giấy và thuốc tráng rửa cùng với tất cả mọi thứ khác, nhưng hầu hết đều phát xuất từ những chọn lựa hết sức sâu xa mà một ai đó đã phải mất rất lâu mới đưa ra được và luôn suy nghĩ trong đầu” – Diane Arbus​
 
   Nên cố hết sức để được ở trong giây phút hiện tại, hoàn toàn không nghĩ đến các emails hay công việc, lịch hoạt động hay con cái – để say sưa nhìn ngắm một đám mây đẹp, hoặc những giọt mưa rơi khỏi một chiếc lá. Và nếu cần được động viên – chẳng phải là tuyệt vời khi bạn tách mình ra khỏi mọi bổn phận và đắm mình vào khung cảnh hoang dã, trong sự an nhiên tự tại, say mê điên cuồng, trong vẻ đẹp của thế giới đó sao ?​
 
Thala Angiang (tuanlionsg 2007)​
 
4 - Hãy bắt đầu một kế hoạch

   Đôi lúc bản thân mình nhận thấy sự chú ý tập trung của mình bị phân tán – vì công việc, vì gia đình, vì bao chuyện hắc ám của xã hội diễn ra hàng ngày v.v… rồi cứ lao đầu vào hết bổn phận này đến bổn phận khác, và chẳng để ý gì đến bất cứ điều gì khác nữa. Một vài bức ảnh chụp ở đây, chụp ở kia. Đây chính là lúc bản thân muốn có cho mình một kế hoạch.

   Lời khuyên chủ yếu dành cho các kế hoạch : Hãy chọn lấy một chủ đề mà bạn đang say mê. Đó có thể là bất cứ thứ gì – màu tím, những mỏ muối, cây cối, con cái, những con người kỳ dị - bất cứ thứ gì bạn cũng có thể biến thành chủ đề, nếu thực sự muốn.
 
Tôi muốn chụp ảnh những đám mây để khám phá những gì mình đã học được về nhiếp ảnh trong bốn mươi năm. Thông qua những đám mây để đặt ra triết lý sống cho mình – để cho thấy rằng (thành quả của) những bức ảnh tôi chụp (vốn) không dựa vào một chủ đề riêng nào – không do những cây cối hay gương mặt đặc biệt hoặc ưu đãi nào – những đám mây kia là dành cho hết thảy mọi người…” – Alfred Stieglitz​

* Điểm then chốt là đừng quá dựa vào kỹ thuật, nhưng là dựa vào niềm đam mê.
Tại sao? Bởi vì :
+ Khi gặp trở ngại hoặc đời sống khiến bạn phân tâm, bạn hầu như hiếm khi từ bỏ kế hoạch nếu bạn thực sự bị nó làm cho say mê.
+ Niềm đam mê sẽ giúp đưa bạn đến chỗ tạo ra một quan điểm mới và thú vị về chủ đề.
+ Trong lúc chụp ảnh và cảm thấy một điều gì đó, bạn gần như chụp được bức ảnh chứa đựng cảm giác đó. Tại sao điều ấy lại quan trọng ? Bởi vì bạn muốn người khác để ý đến bức ảnh bạn chụp, muốn họ nhận ra một nối kết với nó. Đa số các bức ảnh chúng ta nhìn vào đều tẻ nhạt, vô hồn. Những bức ảnh hấp dẫn nhất thì truyền đạt cả một ý tưởng trực quan và một cảm nhận mà, qua đấy, cách nào đó chúng ta bị tác động.
 
Với tôi, nhiếp ảnh không phải là nhìn, nhưng là cảm nhận. Nếu không thể cảm được cái mà bạn đang nhìn, thì chẳng bao giờ bạn làm cho người khác nhận ra một điều gì đó khi nhìn vào các bức ảnh bạn chụp.” – Don McCullin.
 
Thủ Thiêm Saigon (2008)​
5 - Làm một việc gì đó hoàn toàn khác

   Ở trên chúng ta đã nói về cách mà thói quen có thể trở thành một lực đẩy tốt cho việc chụp ảnh của bạn – với điều kiện làm cho bạn quen với một thực hành đều đặn, và rèn luyện cái “cơ bắp” sáng tạo. Nhưng nó cũng là một tác động tiêu cực – bạn cứ làm mọi việc, hoặc sống theo một cách đã trở thành lề thói đến độ không có cho mình những cách mới mẻ khác.

   Hãy nghĩ đến những thứ mà bạn thường chụp ảnh. Bây giờ hãy nghĩ đến một số thứ mà bạn sợ chụp ảnh chúng, và bắt đầu chụp đi. Có thể bạn rất giỏi trong việc chụp phong cảnh. Bạn thích chụp những con người khác thường khi họ lọt vào ống kính. Nhưng ý tưởng chụp cận cảnh hoặc chân dung họ thì làm bạn sợ. Cứ làm đi. Hoặc lúc nào bạn cũng muốn leo lên các mái nhà để chụp ảnh thành phố từ trên cao. Ý tưởng xin phép, v.v.. làm bạn cảm thấy bất an ư ? Cứ việc làm đi !
 
“Có thể chẳng bao giờ bạn biết chính xác mình muốn làm gì, hoặc sẽ đi đâu. Nhưng nếu bạn quyết tâm bắt đầu bằng những bước rất nhỏ, và cứ tiếp tục như thế, thì những chấm nhỏ sẽ theo thời gian mà kết nối lại với nhau để tạo nên điều tuyệt diệu và mang lại cho bạn sự mãn nguyện”. – Lori Deschene
 
Tràng An (Samsung NX300 - 2014)​
 
6 - Luôn nhắc nhớ mình lý do tại sao lại chụp ảnh

   Trong quá trình chụp ảnh, có thể bạn dễ cho rằng – Lẽ ra mình nên chụp nhiều ảnh hơn ! Mình nên chụp tốt hơn mới phải ! Nhưng cứ tự trách mình mãi thì hiếm khi giúp bạn tiến bộ được. Thay vào đó, chúng ta hãy thử suy nghĩ xem nhiếp ảnh thực sự có ý nghĩa gì với bản thân, đâu là những lợi ích nằm ngoài niềm vui thú khi chụp một bức ảnh. Nó làm cho phong phú, mang lại nhiều nghị lực và cải thiện cuộc sống của ta như thế nào ?
Hãy tự hỏi :
+ Nhiếp ảnh mang lại cho tôi những gì ?
+ Tôi muốn trở nên sáng tạo trong từng ngày sống của mình ra sao ?
+ Những bức ảnh hay kế hoạch nào khiến tôi thực sự cảm thấy tự hào ?
Một khi tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi ở trên, bấy giờ bạn sẽ dễ dàng tận tụy làm việc và có thêm nhiều động lực hơn.​
 
Chợ nổi Sadec (2014)​
 
8 - Cạm bẫy của chủ nghĩa cầu toàn

   Thường thì chúng ta ngưng chụp ảnh, hoặc bắt đầu chậm lại hoặc lệch hướng khi chúng ta làm việc theo một kế hoạch, bởi vì cảm giác thấy mình làm không đủ tốt bắt đầu ngấm ngầm tác động lên chúng ta.
 
Chủ nghĩa cầu toàn là tiếng nói đầy áp bức, kẻ thù của mọi người. Nó sẽ làm cho bạn co rúm lại và cảm thấy bất an trong cả cuộc sống” – Anne Lamott​
 
   Có sao đâu khi bạn cố làm việc nhưng không hoàn hảo cho lắm. Có hề gì khi một số bức ảnh bạn chụp không được đẹp kia chứ? Tự ngăn mình làm những điều mình thích, trước khi hoàn thành chúng, thì thật là điên rồ. Hãy nhìn nhận mình có nỗi lo sợ thực sự, nhưng đừng để nó cản bước bạn. Sớm muộn gì thì nỗi lo sợ cũng tan biến.

   Hãy cứ thảnh thơi. Hãy chống lại những thứ thôi thúc bạn phải khai thác bức chụp cho có hiệu quả. Đừng quan tâm đến đầu ra, nhưng hãy tập trung vào những gì mình nhìn vào. Hãy lắng nghe. Hãy theo đuổi những gì bạn quan tâm.
 
Đua voi - Lak 2015​

8 - Hãy tìm nguồn cảm hứng – một cách gián tiếp

   Thực sự chúng ta có niềm tin rằng nguồn cảm hứng dành cho những bức ảnh của bản thân có thể phát xuất từ mọi kiểu hoàn cảnh. Nhiếp ảnh gia được nhiều người ái mộ nhất mọi thời đại, Ernst Haas, cũng nói như vậy:​
 
Hãy coi chừng những cảm hứng trực tiếp. Chúng rất nhanh dẫn đến việc lặp đi lặp lại những gì đã gợi hứng cho bạn…Hãy tinh luyện các giác quan của bạn qua những tác phẩm âm nhạc, hội họa và thi ca nổi tiếng. Tóm lại, hãy tìm kiếm những cảm hứng gián tiếp, và mọi thứ sẽ tự chúng mà đến”.​
 
B'lao 2012

   Vậy, hãy làm đầy cuộc sống của bạn bằng nguồn cảm hứng sáng tạo từ bất cứ điều gì thôi thúc bạn. Những bản nhạc tuyệt diệu, nhìn ngắm những bức tranh kỳ dị, đọc những sách truyện phiêu lưu – bất cứ thứ gì, miễn là nó kích thích và thôi thúc bạn. Càng nhắc mình nhớ đến những gì hấp dẫn và có cảm giác được khơi nguồn sáng tạo, thì tinh thần và thể xác của bạn càng khắc sâu chúng vào trong bạn.

   Theo cách đó, tự mình nhắc nhớ mình về những lúc cảm thấy bản thân cực kỳ sáng tạo, đầy cảm hứng và chụp được những bức ảnh đẹp. Thật quá dễ rơi vào cạm bẫy của lối suy nghĩ cho rằng bạn sẽ chẳng bao giờ chụp những bức ảnh đẹp được nữa (điều này thường xảy đến với chính mình, đặc biệt là khi định bắt đầu thực hiện một bộ ảnh nào đó), nhưng hãy nhớ về một thời khắc mà trong đó bạn đã chụp được những bức ảnh đẹp. Hãy luôn nhắc bạn nhớ lại điều đó, và bạn sẽ dễ dàng lấy lại niềm hứng khởi làm việc.

 Hy vọng những gợi ý này hữu ích & chúng ta luôn còn cảm hứng để tiếp tục mang máy ra khỏi nhà và mang về những bức ảnh ưng ý.

Các bài viết khác

Khám Phá Những Góc Nhìn Tuyệt Vời Với Ảnh Phản Chiếu

Khám Phá Những Góc Nhìn Tuyệt Vời Với Ảnh Phản Chiếu

27/03/2024
Tìm Hiểu Bí Mật Đằng Sau Sức Hút Của Trend Chụp Ảnh Qua Gương

Tìm Hiểu Bí Mật Đằng Sau Sức Hút Của Trend Chụp Ảnh Qua Gương

23/03/2024
Thổi Bùng Cảm Xúc Cho Ảnh Chân Dung Với Ánh Sáng Dramatic Lighting

Thổi Bùng Cảm Xúc Cho Ảnh Chân Dung Với Ánh Sáng Dramatic Lighting

18/03/2024
Việt Nam Ghi Dấu Ấn tại Giải Thưởng Nhiếp Ảnh Thế Giới Sony 2024

Việt Nam Ghi Dấu Ấn tại Giải Thưởng Nhiếp Ảnh Thế Giới Sony 2024

15/03/2024
Bí Quyết Tạo Ấn Tượng Với Ảnh Chân Dung Bằng Sức Mạnh Của Bóng Tối

Bí Quyết Tạo Ấn Tượng Với Ảnh Chân Dung Bằng Sức Mạnh Của Bóng Tối

13/03/2024
Bí Kíp SEO Hình Ảnh Cho Người Mê Chụp Ảnh: Nhằm Thu Hút Người Xem

Bí Kíp SEO Hình Ảnh Cho Người Mê Chụp Ảnh: Nhằm Thu Hút Người Xem

07/03/2024
Chat zalo: 0944320120