261 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM
Hotline: 0944320120 - 0962503804
261 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM
Hotline: 0944320120 - 0962503804
DANH MỤC SẢN PHẨM

Học được gì khi tốt nghiệp Nghệ thuật về Nhiếp ảnh tại Mỹ, chia sẻ từ Nguyễn Quang Bách

   Khi đi xem triển lãm ảnh "Những Nhiếp ảnh gia Mới" tại Noirfoto và có hứng thú với bộ ảnh của Nguyễn Quang Bách khi thấy Bách chụp ảnh về đời sống tâm linh tại Việt Nam và thái độ của mọi người đối với các hoạt động tâm linh. Sau đó mình có tìm Bách và hỏi chuyện thêm về bộ ảnh cũng như những câu chuyện bên lề về nhiếp ảnh thì được biết Bách tốt nghiệp bằng Cử nhân Nghệ thuật về Nhiếp ảnh và Video tại trường đại học School of Visual Arts ở New York, Mỹ vào năm 2018. Tò mò không biết ở nước ngoài họ dạy nhiếp ảnh ra sao và cũng muốn lắng nghe chia sẻ của Bách về quá trình 4 năm học đã giúp Bách như thế nào trên con đường tương lai, mình có hỏi Bách một vài câu hỏi.

   Mời anh em cùng đọc những chia sẻ theo mình là rất chân thành từ Bách, mình học được kha khá từ những tâm sự này cho quá trình phát triển không chỉ là về nhiếp ảnh mà còn về cách quan sát, tư duy và thực hành công việc.
 
Bách học Cử nhân Nghệ thuật về Nhiếp ảnh và Video tại Mỹ, Bách có thể kể qua những môn Bách học ở đây đã giúp Bách thế nào trong quá trình hình thành tư duy nhiếp ảnh của bản thân không?
 
   Trước khi sang Mỹ, mình được gặp nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn. Trong buổi trò chuyện này bác có nói với mình rằng mỗi người thực hành nghệ thuật đều phải hình thành thế giới quan cá nhân. Lời nói đó cũng là điều một số giáo viên ở đây muốn học sinh có được.

   Chương trình Cử nhân của khoa Nhiếp ảnh & Video của School of Visual Arts kéo dài 4 năm. Trong mỗi năm đều có những lớp bắt buộc. Tráng phim và rọi ảnh đen trắng là một trong những lớp bắt buộc của kỳ đầu năm nhất và đây cũng là nơi mình gặp giáo viên có ảnh hưởng lớn nhất tới bản thân. Lớp này kéo dài 6 tiếng, một tuần một lần. Ba tiếng đầu là khoảng thời gian để mọi người rọi ảnh. Việc chụp ảnh và tráng phim nghiễm nhiên được coi là đã thực hiện trước khi lên lớp. Mỗi khi xong một tấm, học sinh mang tấm ảnh mình vừa phóng cho giáo viên xem và nhận xét để có thể chỉnh sửa về mặt kỹ thuật ngay tại chỗ. Sau đó, mọi người sẽ cùng nhau xem một bộ ảnh được tổng hợp bởi giáo viên trong 20 phút và tiến hành bình ảnh của các sinh viên. Giáo viên sẽ là người chủ yếu nêu ra ý kiến, đưa ra những gợi ý và bình luận về mặt concept để giúp mọi người trong quá trình hình thành ý tưởng. Trong lớp này, mình nhận ra tầm quan trọng của kỹ thuật trong việc thực hiện ý tưởng. Những bức ảnh hàng tuần được xem chưa bao giờ là các tác phẩm nổi tiếng hay của các nghệ sĩ tên tuổi. Chúng chỉ là những khoảnh khắc đời thường hoặc tĩnh vật đơn giản. Tuy nhiên, chúng nói lên rất nhiều về văn hóa của nơi được chụp, tính cách của cộng đồng và suy nghĩ con người. Để có ý tưởng tốt, chúng ta cần tìm hiểu về thế giới xung quanh, ví dụ như văn hóa các nước, lịch sử, chính trị, kinh tế, triết học,... tóm lại là cần giàu kiến thức xã hội. Đối với người thực hành nghệ thuật, việc hiểu biết rõ về thế giới mình đang sống rất quan trọng bởi cảm hứng của chúng ta xuất phát từ chính bên trong chúng ta và từ cả những tác động bên ngoài. Sang kỳ học tiếp theo, lớp học này chuyển sang ảnh màu và cách thức hoạt động vẫn như vậy.​
 
   Sang năm thứ hai, có một lớp bắt buộc là "The Critical Eye". Trong lớp này, sinh viên được học về định nghĩa và cách cảm thụ các tác phẩm nhiếp ảnh. Mình nghĩ rằng những kiến thức được học trong lớp này cũng có thể áp dụng để chúng ta cảm nhận các tác phẩm ở nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Giáo viên giới thiệu về hai khái niệm: "punctum" và "studium" được viết trong cuốn sách "Camera Lucida" của Roland Barthes. Punctum là chi tiết sống động nhất của một tác phẩm, điểm gợi lên một mối quan hệ trực tiếp với chủ thể trong ảnh. Studium là biểu hiện về văn hóa, ngôn ngữ và chính trị của bức ảnh. Sau khi học lớp này mình bắt đầu đọc nhiều hơn về lý thuyết nhiếp ảnh và nghệ thuật. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, mình nhận ra việc tìm hiểu chi tiết quá về bộ môn đang theo đuổi cũng không hẳn là điều tốt. Bởi việc biết quá nhiều về lý thuyết sẽ cản trở mình phần nào trong việc tìm kiếm và thực hiện hóa ý tưởng, đồng thời làm giảm đi những khoảnh khắc bất ngờ mà bộ môn này đem lại cho người thực hành.

   Ngoài lề một chút, sống ở New York cũng đem lại cho mình chút lợi thế khi đây là một trong những chợ nghệ thuật lớn trên thế giới với nhiều phòng tranh, ảnh có tên tuổi đặt tại đây. Chỉ với 20 phút đi bộ từ trường là mình có thể đến xem vài ba triển lãm. Việc này giúp ích ít nhiều cho việc tìm cảm hứng và học hỏi từ các nghệ sĩ, giám tuyển (curator) với nhiều kinh nghiệm.

 
 
 
 
 
Một vài ảnh từ bộ ảnh "Pat.hs" của Nguyễn Quang Bách

Có bài tập hay lời khuyên nào ở trường đại học khiến Bách nhớ nhất không? Bách học được gì từ đó?

   Điều mình nhớ nhất có lẽ là câu nói của thầy giáo năm nhất. Trong một lần bình ảnh, thầy có nói: “That’s why it is called art not fooling around.” Tạm dịch là điều các bạn đang làm là theo đuổi nghệ thuật chứ không phải trò chơi. Câu nói này làm mình hiểu ra rằng trong chương trình học này, sinh viên phải nghiêm túc với những điều đang theo đuổi, không thể hời hợt. Sự hời hợt này dễ dàng thể hiện qua ảnh của các bạn và điều này chỉ làm tốn tiền và thời gian của bản thân mà thôi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà đến năm cuối rất nhiều người bạn của mình đã thôi học, chuyển sang trường khác học ngành khác.

   Một điều vô cùng quan trọng trong môi trường sư phạm là bạn cần phải luôn sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của bạn bè và giáo viên. Đó không chỉ là sự tôn trọng cần có trong môi trường sư phạm mà còn là điều sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình thực hiện bộ ảnh cá nhân. Những ý kiến đóng góp mà bạn chắt lọc được sẽ mở ra nhiều hướng đi cho chính bạn và bộ ảnh của mình. Tuy vậy, sự chắt lọc cũng là yếu tố cần thiết bởi không phải ai cũng có thể đưa ra ý kiến chính xác mà bạn cần.

   Vào năm 3 đại học, trong lớp bình ảnh kéo dài 6 tiếng, giảng viên có nói với sinh viên rằng: "Có thể cả cuộc đời, các em sẽ không tìm được lý do vì sao mình chụp bộ ảnh này, nhưng cũng có thể chỉ ngày mai thôi, các em sẽ biết mình đang làm gì. Nhưng hãy nhớ rằng, luôn trò chuyện với những tấm ảnh của mình, chúng sẽ cho các em biết câu trả lời dù sớm hay muộn." Trước đó, mình chỉ dành thời gian xem ảnh một tuần trước cuối kỳ để biên tập. Nhờ câu nói đó mà bây giờ trong lúc chụp những bộ ảnh cho bản thân, mình vẫn dành thời gian định kỳ 2-3 lần một tháng để sắp xếp, biên tập ảnh, hiểu hơn về những điều hiện diện trong ảnh. Điều này giúp mình tìm cách để cải thiện về kỹ thuật, hơn hết là hiểu rõ hơn những gì mình thực sự đang chụp.

   Một lần khác, trong lúc mình đang biên tập bộ ảnh trong phòng in ở trường, có một giáo viên nhìn qua và bà ngỏ lời muốn giúp vì thấy nó thú vị. Bà có nói với mình rằng, nếu có hai người cùng nói với bạn điều tương tự thì nên nghe theo ý kiến đó. Khi chỉnh sửa và biên tập ảnh, đối với mình, là lúc cần lắng nghe nhiều ý kiến. Trong lúc mình soạn ảnh, bà có cùng ý kiến với người thầy của mình. Ban đầu mình có lưu lại ý kiến của thầy vì lúc nghe mình chưa thực sự thuyết phục. Khi thay đổi cách biên soạn theo ý kiến của hai người, mình thấy mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Thay vì tách ảnh ra từng tấm, có thể gộp 2-3 tấm lại để tạo thành 1 tấm hoàn thiện hơn về ý nghĩa.
 
 
 
 
 
Bộ ảnh "Chiếc bóng nhảy múa" (Shadow Dancing) của Nguyễn Quang Bách
Quá trình chụp ảnh của Bách có thay đổi gì từ lúc bắt đầu chụp cho đến giờ không?

   Trước khi đi học, mình chỉ chụp ảnh đời thường tại Hà Nội. Một tuần đi ra ngoài chụp 2-3 lần. Hồi đó mình chủ yếu dựa vào bản năng, thấy điều gì hay thì chụp. Cũng có một vài bộ ảnh có chủ đề cụ thể, tuy nhiên, chúng đều không có được sự liên kết rõ ràng giữa những tấm ảnh và cũng không có sự tìm hiểu kỹ càng. Đó cũng là lý do mình quyết định đi học vì cảm thấy cần biết và học hỏi nhiều hơn. Mình muốn có một hệ thống kiến thức rõ ràng thay vì chỉ cóp nhặt vài điều từ những cuốn sách ảnh.

   Khoảng thời gian đi học mình dành thời gian nghiên cứu, vẽ phác thảo (vì mình chụp trong studio là chủ yếu), và sắp xếp ảnh. Lặp lại ba điều trên trong quãng thời gian 3 năm, từ năm 2 đến năm cuối. Điều thay đổi lớn nhất có lẽ là việc mình chuyển sang chụp trong studio thay vì ra ngoài chụp ảnh đường phố. Đối với mình, New York tuy rất hoa lệ và nhộn nhịp nhưng đã phát triển thành đô thị hiện đại và bởi mình không phải là người Mỹ nên rất khó để tìm thấy chất liệu cuộc sống đặc sắc cho ảnh. Ngoài ra mình cũng không có nhiều tiền để có thể đi đến các bang khác và thực hiện các bộ ảnh tại đó như nhiều bạn khác, những người dành rất nhiều năm tháng để chụp một địa điểm xa xôi.

   Trong quá trình tìm hiểu, mình cũng ghi lại rất nhiều suy nghĩ ra một cuốn sổ, cách ngày đọc một lần để nhớ những ý tưởng đó. Điều quan trọng nhất là thực hành song song với quá trình tìm hiểu. Khác với hồi bắt đầu chụp, mình chỉ ra ngoài chụp khi có thời gian rảnh còn khi học mình dành ra 12 tiếng mỗi tuần cho việc chụp, tức 6 tiếng cho một buổi chụp. Điều này cũng chịu ảnh hưởng từ chương trình học bởi cần phải có ảnh mang lên lớp để được nhận xét, tuy nhiên chủ yếu cũng do mình cần thực hiện những ý tưởng đã sẵn có.

Bách có thể kể về những bộ ảnh tĩnh vật Bách chụp không?

   Bộ ảnh này mình chụp trong năm 3 và may mắn là kịp hoàn thiện khi kỳ học gần kết thúc. Trong năm 3, các giáo viên trường mình đều muốn rằng học sinh có thể tạo ra được một bước đột phá, chạm đến sự trưởng thành nhất định về kỹ thuật và tư duy nhiếp ảnh. Bởi vậy nên năm học đó mình cũng chịu một phần áp lực có thể tạo ra một bộ ảnh đột phá hơn so với 2 năm đầu. Mình muốn thực hiện một bộ ảnh tĩnh vật với sự đầu tư nhiều hơn về ý tưởng.

   Đối với mình, những đồ vật có thể nói lên rất nhiều điều từ chúng và chính chúng cũng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa về văn hóa. May mắn là chức năng khuếch đại, nhấn mạnh một sự vật, hiện tượng của nhiếp ảnh (và hội họa) rất phù hợp cho chủ đề này bởi tấm ảnh khiến chúng ta buộc phải nhìn vào đồ vật đó.

   Trong quá trình nghiên cứu, mình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm ý tưởng chung cho bộ ảnh. Ban đầu mình nghiên cứu nhiều về tranh tĩnh vật của Hà Lan vào khoảng thế kỷ 17, tranh tĩnh vật của họa sĩ người pháp - Paul Cézanne và họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trong khoảng thời gian 2 tháng mình xem tranh, ảnh rất nhiều để có thể hiểu hơn về bố cục, cách sắp xếp, ánh sáng và màu sắc. Sau đó, khi xem tranh của họa sĩ người Ý - Giorgio Morandi thì mình thích vô cùng bởi sự đơn giản nhưng tôn vinh và làm nổi bật đồ vật trong tranh. Có thể nói vì sự yêu thích này mà bố cục và ánh sáng trong ảnh của mình ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ ông. Và đây cũng là lúc mình xem ảnh của Laura Letinsky. Mình rất ấn tượng với cách bà chụp đồ vật, động vật trong trạng thái chết, mang đến sự buồn bã nhưng vẫn cuốn hút. Những điều bà chụp làm mình nhận ra rằng ảnh tĩnh vật không nhất thiết chỉ chụp đồ vật trong trạng thái hoàn hảo, đẹp đẽ nhất của chúng mà còn có thể làm nhiều hơn thế. Tuy nhiên, mình vẫn cần phải tìm hiểu xem tại sao mình chụp chúng ở trạng thái khô héo. Tại thời điểm này, thông qua lớp về triết học bắt buộc với sinh viên, mình đọc thử cuốn sách "Thất Lạc Cõi Người" của nhà văn Nhật Bản - Dazai Osamu. Có thể nói bộ ảnh chịu ảnh hưởng khá nhiều về tư tưởng của cuốn sách này. Quyển sách viết về cuộc đời của một người gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong xã hội Nhật, bởi vậy càng trưởng thành anh ta lại càng có nhiều u sầu. Anh ta tự tử cùng tình nhân nhưng không chết, cả cuộc đời buồn bã chỉ phảng phất sự chân thành. Câu chuyện của anh ta làm mình nhận ra rằng không một điều nào có thể đứng tách biệt với thời gian, mọi thứ đều sẽ kết thúc ở một thời điểm. Ngoài ra mình cũng tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Mình tự đúc kết một điều rằng, văn hóa nước ta xoay quanh điểm kết thúc. Phong tục thờ cúng của dân mình là điều gắn kết các thành viên gia đình, làng xã lại với nhau, qua đó tạo nên nhiều lễ hội, giống như một vòng tròn.
 
 
 
Bộ ảnh "Đồ vật - Đen -Trắng" (Black - White - Objects) của Nguyễn Quang Bách
   Việc lựa chọn đồ vật để chụp là thử thách khá lớn bởi đồ vật cần phải có ý nghĩa trong văn hóa phương Tây và phương Đông để các bạn mình xem cũng có thể hiểu được. Ví dự như quả lựu thường được coi là biểu trưng của sự trù phú và sinh sôi ở nhiều nền văn hóa khác nhau hay hoa baby trắng biểu tượng cho sự ngây thơ, trong sáng. Mình chọn lọc những đồ vật có nhiều ý nghĩa trong nhiều nền văn hóa khác nhau để tránh sự khác biệt quá nhiều về văn hóa. Những đồ vật này mình mua khi còn tươi và chỉ đem đi chụp khi đã đến trạng thái khô héo để phù hợp với mong muốn của bản thân.

   Càng ngày những thử nghiệm trong studio của mình càng thúc đẩy hướng đi cho bộ ảnh hơn, mang tác động của con người kết hợp với tác động của tự nhiên. Trong lần chụp quả lựu, mình quyết định sẽ chụp từng bước trong khi bóc quả và chọn ra tấm ảnh tốt nhất. Tuy nhiên sau khi in ra, mình nhận thấy rằng cả 3 tấm ảnh đều có thể ở cùng nhau bởi chúng biểu hiện dòng thời gian rõ ràng hơn. Đây là lý do mình nghĩ chúng ta nên để một phần thời gian trong studio cho việc thử nghiệm.
 
 
 
 
 
 
 
Bộ ảnh "Đồ vật - Đen -Trắng" (Black - White - Objects) của Nguyễn Quang Bách
 
Dự định sắp tới của Bách là gì? Bách có định hướng gì cho con đường nhiếp ảnh của mình không?

   Dự định sắp tới của mình cũng chưa rõ ràng. Hiện tại mình đang thực hiện một bộ ảnh về thế giới bên ngoài nên tạm thời chưa quay lại bốn bức tường studio. Do tính cách bản thân nên việc chỉ chụp ảnh tĩnh vật trong 3 năm liên tục khiến mình bị cháy sạch cả ý tưởng và hứng thú.

   Về lâu dài mình dự định vẫn sẽ tiếp tục dành thời gian chụp những bộ ảnh cá nhân bởi đó là đam mê, dù thế nào cũng phải thực hiện dù cho thời gian làm có thể dài hơn rất nhiều so với hồi đi học vì còn phải đi làm. Mình nghĩ việc thực hiện những bộ ảnh cá nhân làm chúng ta hiểu rõ bản thân hơn, học được nhiều kiến thức ở các lĩnh vực mới, trau dồi kỹ năng của bộ môn này. Đó cũng là cách để mình không quên những điều đã học từ giáo viên và bạn bè. Bây giờ còn trẻ nên tâm huyết để thực hiện đam mê vẫn còn nhiều. Hy vọng mình có thể luôn giữ tâm thế mở, sẵn sàng đón những lời nhận xét từ những người xem ảnh để có thể làm tốt hơn.
Trích nguồn: tinhte.vn
 
 
 
 

Các bài viết khác

Annie Leibovitz và Tầm Nhìn Về Tương Lai Của Nhiếp Ảnh Trong Kỷ Nguyên Trí Tuệ Nhân Tạo

Annie Leibovitz và Tầm Nhìn Về Tương Lai Của Nhiếp Ảnh Trong Kỷ Nguyên Trí Tuệ Nhân Tạo

13/04/2024
Ánh Sáng: Ngôn Ngữ Của Cảm Xúc Trong Nhiếp Ảnh

Ánh Sáng: Ngôn Ngữ Của Cảm Xúc Trong Nhiếp Ảnh

07/04/2024
Bay Cao Cùng Niềm Tự Hào Việt Nam Chiến Thắng Lớn Tại SkyPixel 2024!

Bay Cao Cùng Niềm Tự Hào Việt Nam Chiến Thắng Lớn Tại SkyPixel 2024!

03/04/2024
Tìm Hiểu Chiều Sâu Trường Ảnh (DOF) - Chìa Khóa Cho Bức Ảnh Hoàn Hảo

Tìm Hiểu Chiều Sâu Trường Ảnh (DOF) - Chìa Khóa Cho Bức Ảnh Hoàn Hảo

29/03/2024
Khám Phá Những Góc Nhìn Tuyệt Vời Với Ảnh Phản Chiếu

Khám Phá Những Góc Nhìn Tuyệt Vời Với Ảnh Phản Chiếu

27/03/2024
Tìm Hiểu Bí Mật Đằng Sau Sức Hút Của Trend Chụp Ảnh Qua Gương

Tìm Hiểu Bí Mật Đằng Sau Sức Hút Của Trend Chụp Ảnh Qua Gương

23/03/2024
Chat zalo: 0944320120